Điểm qua 11 nguyên nhân gây đau bụng dưới ở nữ giới

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Đinh Quang Tiến

Đau bụng dưới ở nữ giới là triệu chứng không thể xem nhẹ vì nó có thể là chỉ dấu của nhiều bệnh lý từ nhẹ đến nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người bệnh. Do đó, thay vì chủ quan hoặc tự điều trị tại nhà, chị em nên lắng nghe cơ thể mình và đi khám càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân đau bụng dưới là do đâu?

đau bụng dưới

Nhiều chị em xuất hiện tình trạng đau bụng dưới bất thường

Dưới đây là một số bệnh lý tiềm ẩn đằng sau triệu chứng đau bụng dưới âm ỉ mà chị em không nên xem thường:

1. Đau do rụng trứng

Ở nhiều chị em phụ nữ, trong thời kỳ rụng trứng có thể xuất hiện cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ ở vùng bụng dưới. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra khi buồng trứng giải phóng trứng với một lượng nhỏ dịch lỏng và máu, gây kích ứng niêm mạc bụng và khiến nữ giới bị đau bụng dưới.

2. Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một tình trạng sinh lý khá phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản. Các biểu hiện thường gặp bao gồm cảm xúc thay đổi bất thường, nổi mụn trứng cá, chuột rút, đau bụng, đau đầu. Nguyên nhân chính gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt đó là do sự biến động của các loại hormone estrogen và progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt. Để cải thiện hội chứng này, việc duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung vitamin, tập luyện thể thao nhẹ nhàng và kiểm soát giấc ngủ là những biện pháp hỗ trợ rất hữu hiệu.

3. Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng khi phôi thai không làm tổ trong buồng tử cung như bình thường mà phát triển ở những vị trí khác bên ngoài tử cung (thường gặp nhất là ở ống dẫn trứng). Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người mẹ. Những dấu hiệu cảnh báo của tình trạng mang thai ngoài tử cung thường bao gồm: chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu dữ dội, kèm theo cảm giác buồn nôn và chóng mặt, chuột rút….Khi nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, thai phụ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám ngay để bác sĩ can thiệp kịp thời.

4. Bệnh viêm vùng chậu

Đau bụng dưới cũng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm vùng chậu (PID). Cơn đau có thể âm ỉ, liên tục hoặc dữ dội từng cơn. Mức độ đau và vị trí đau có thể khác nhau ở mỗi người. Ngoài đau bụng dưới, bệnh viêm vùng chậu còn gây ra các triệu chứng khác như: Đau vùng lưng dưới, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khí hư bất thường (có màu, mùi khác lạ), đau khi quan hệ tình dục, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu khó, sốt cao, ớn lạnh, chán ăn, mệt mỏi,….

5. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng trong đó các mô nội mạc tử cung phát triển bất thường ở bên ngoài tử cung như ở bàng quang, ruột, buồng trứng, ống dẫn trứng, hoặc các cơ quan khác. Bệnh lạc nội mạc tử cung này thường đi kèm với các triệu chứng và biểu hiện như đau bụng dưới kéo dài (đặc biệt là trước và trong kỳ kinh nguyệt hay sau khi quan hệ tình dục), đau khi đi tiểu, máu kinh ra nhiều bất thường,…

6. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u có vỏ bọc bên ngoài và chứa dịch bên trong ở buồng trứng và đa số các trường hợp đều lành tính không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi kích thước của u nang lớn đân, bệnh nhân có thể bắt đầu cảm nhận những triệu chứng như đau vùng bụng dưới; đau vùng hạ vị, tiểu khung; rối loạn kinh nguyệt; đau khi quan hệ tình dục,…..

7. U xơ tử cung

U xơ tử cung là khối u lành tính phát triển ở thành tử cung, bệnh thường gặp nhất ở chị em phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi. Dù không phải ung thư nhưng nếu những khối u này phát triển lớn hoặc nằm ở vị trí bất lợi, chúng có thể gây chèn ép cơ quan khác, dẫn đến đau bụng dưới, đau lưng, kinh nguyệt kéo dài, chảy máu bất thường hoặc đau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên ở một số người lại không có triệu chứng và chỉ phát hiện u xơ tử cung qua khám phụ khoa định kỳ.

8. Viêm bàng quang kẽ

Đây là một bệnh lý viêm nhiễm mãn tính xảy ra ở bàng quang, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Khi bị viêm bàng quang kẽ, người bệnh thường xuyên có cảm giác đau vùng xương mu, đau khi quan hệ tình dục và đau rát khi đi tiểu. Tần suất đi tiểu tiện của người bệnh cũng có thể tăng lên đáng kể, thậm chí có trường hợp còn đi vài lần mỗi giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.

9. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Phụ nữ dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới (đặc biệt là sau quan hệ tình dục hoặc vệ sinh không đúng cách) do cấu trúc niệu đạo ngắn. Các biểu hiện thường gặp khi bị bệnh này bao gồm đau bụng dưới, có cảm giác đau rát hoặc khó chịu khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, cảm giác tiểu không hết và đôi khi nước tiểu có mùi lạ. Nếu phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh phù hợp, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ được trị khỏi nhanh chóng. Tuy nhiên nếu kéo dài mà không chữa, vi khuẩn có thể lan đến thận và gây nhiễm trùng thận - một biến chứng nguy hiểm cần nhập viện ngay.

đau bụng dưới

Đau bụng dưới ở nữ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

10. Sỏi thận

Sỏi thận là hiện tượng hình thành các tinh thể rắn trong thận do sự kết tinh quá mức của muối và khoáng chất có trong nước tiểu. Tùy vào thời gian và mức độ tích tụ, kích thước sỏi có thể dao động từ những hạt nhỏ li ti như hạt cát cho đến những viên lớn tương đương viên sỏi. Khi mắc bệnh sỏi thận, người bệnh thường trải qua những cơn đau dữ dội ở vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu. Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn có thể tiểu ra máu khiến nước tiểu chuyển màu hồng nhạt hoặc đỏ,….

11. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục 

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường khởi phát với những dấu hiệu không rõ ràng ở giai đoạn đầu nhưng người bệnh vẫn có thể nhận biết qua những triệu chứng điển hình như đau ở vùng bụng dưới và vùng chậu. Nhiều bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là chlamydia và bệnh lậu, có thể gây cảm giác đau bụng dưới kèm theo các biểu hiện như đau vùng chậu, ra khí hư bất thường, chảy máu bất thường giữa kỳ kinh, đau khi đi tiểu và khi quan hệ tình dục,…

Hy vọng những thông tin mà các bác sĩ tại Đa Khoa Nam Định vừa cung cấp sẽ phần nào giúp người bệnh có thể hiểu hơn về những nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng dưới và có cách xử lý phù hợp. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.